HẠT GẠO MÙA CHAY
Tuần rồi, bé Lan 6 tuổi vào nhà xứ gặp cha xứ hý hửng khoe :
– Cha ơi, coi nè, chén gạo con đầy những hạt gạo mùa chay!
– Nói cha nghe coi thử, hạt gạo mùa chay là cái gì đâu?
– Ủa, mẹ con không nói cho cha nghe sao? Từ đầu mùa chay, anh chị em con thi đua nhau làm việc thiện, hễ đứa nào làm được một việc tốt thì bỏ một hạt gạo vào trong cái chén của mình. Cứ cuối tuần là tổng kết. Tuần này con đoạt giải nhất đó cha vì con có nhiều hạt gạo hơn các anh chị của con.
– Wow ! Con giỏi quá. Kể cha nghe coi, những việc tốt con làm là việc gì đâu?
– Dạ con không nói đâu!
– Tại sao vậy?
– Vì mẹ bảo, khi tay phải làm việc thiện thì đừng cho tay trái biết!
– Chà! Con ngoan quá!
Hạt gạo tuy mỏng manh, bé nhỏ nhưng luôn là một biếu tượng đẹp nói lên những hy sinh, vất vả của người nông dân Việt Nam. Cũng thế, những hạt gạo mùa chay là minh chứng cho những cố gắng và hy sinh nhỏ bé của anh chị em Lan trong việc sống tinh thần mùa chay theo lời dạy của mẹ. Chắc hẳn đằng sau những chuyện nhỏ nhặt như : bớt 2 ngàn đồng quà sáng để bố thí cho người nghèo, lượm rác trong nhà thờ, giúp mẹ quét nhà, nhường cho em miếng thịt mà mình thích nhất, vâng lời bố mẹ, không cãi lộn hay văng tục ngoài đường, gặp người lớn thì cúi đầu chào vv..là một hành trình vượt qua sự ích kỷ và lười biếng của bản thân để hướng tới người khác. Đó cũng là cách sống tinh thần mùa chay mà mẹ Hội Thánh muốn nhắn nhủ chúng ta.
Mùa chay- mùa của cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái hy sinh.
Chúng ta hãy tìm thời gian cầu nguyện vì cầu nguyện đưa chúng ta ra khỏi thái độ dửng dưng và làm cho chúng ta hướng lòng về Thiên Chúa.
Ăn chay và làm việc hy sinh là những phương thế liên hệ mật thiết với nhau để giúp ta lớn lên trên con đường thiêng liêng. Ăn chay không chỉ có nghĩa là bớt ăn hay không ăn mà còn có nghĩa là chiến thắng chính mình, chấp nhận hy sinh những vui thích của bản thân và tập quan tâm giúp đỡ người khác, đặc biệt là những ai lâm cảnh thiếu thốn.
Hôm nay chúng ta bước vào mùa chay!
Cũng như thường lệ, mùa chay bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro bằng nghi thức xức tro lên đầu hoặc trán.
Vậy “tro” có ý nghĩa gì đối với đời sống đức tin người Công giáo và tại sao lại phải xức “tro” lên trán?
Từ ngàn xưa, “tro” đã mang hai ý nghĩa: Thứ nhất, tro tượng trưng cho “sự thống hối ăn năn” và thứ hai, cho “đời sống khiêm nhường”.
Ngày nay, vào mỗi thứ Tư Lễ Tro, các linh mục dùng tro gạch dấu Thánh giá trên trán của mình và từng giáo dân. Tro này chính là tro của những chiếc lá vạn tuế của Lễ Lá năm trước đã được đốt đi. Phải chăng việc làm này mời gọi chúng ta phải nhìn lại cuộc sống của chúng ta trong một năm qua để rồi thiêu đốt tất cả những gì xấu xa tội lỗi của ta thành tro bụi và quyết tâm tu sửa cuộc đời mình.
Tro cũng nhắc nhở các giáo hữu về thân phận con người. Như lời của một bài hát:
“Thân con là cát bụi một ngày mai sẽ hóa bụi tro. Cuộc đời vinh hoa phú quý xuôi tay nằm còn có chi đâu. Ôi thoáng qua cõi đời cười vui nay bỗng mai biệt ly”.
Tro được xức lên trán hoặc đầu để khắc ghi vào tâm trí chúng ta thực tại cát bụi của con người. Vì vậy, khi dùng tro ghi dấu Thánh giá trên trán, linh mục sẽ đọc “Ta là thân cát bụi- sẽ trở về cát bụi” hoặc “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”.
Mùa chay trao tặng cho chúng ta cơ hội để thay đổi và hoán cải cuộc đời. Hãy cùng nhau thu góp thật nhiều những hạt gạo mùa chay để làm vơi đi cái đói của Đức Giê-su trong thế giới hôm nay.
Sr. Thắng. scjm