KHÔNG KẾT TỘI
“ Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8: 11b)
Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng hôm nay đã tỏ lộ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân. Ngài không muốn tội nhân “phải chết nhưng muốn họ ăn năn và sám hối và được sống” (Ez 33: 11b). Với sự tha thứ của mình Chúa Giêsu đã làm nổi bật lên tình yêu của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa chậm bất bình và giàu lòng xót thương. Đoạn Tin Mừng hôm nay thực sự là bằng chứng tuyệt vời về sự tha thứ của Ngài. Ngài tha thứ nhưng Ngài không dung túng cho tội lỗi. Ngài ghét tội nhưng lại rất mực bao dung và xót thương tội nhân.
Là những người lữ hành trần thế, mỗi người chúng ta sẽ không tránh khỏi những vấp phạm, những lúc yếu lòng vì phận người yếu đuối. chúng ta cần lắm sự tha thứ của Thiên Chúa đặc biệt trong thời đại ngày hôm nay. Sự tha thứ xuất phát từ tình yêu, có sức mạnh chữa lành và biến đổi. Với Bí tích hoà giải, chúng ta được giao hoà với chính bản thân, với Thiên Chúa và anh chị em. Chúng ta được sạch tội, được trở nên con người mới. Chúng ta cũng được mời gọi và thúc đẩy để tha thứ cho người khác vì đấy chính là bản chất của Thiên Chúa.
Tuy nhiên tha thứ nhiều khi không phải là việc dễ dàng đặc biệt là với những người bị tổn thương tâm lí, tình cảm do bị bỏ rơi hay lạm dụng thể lý, tâm lý và tình dục. Sẽ thực sự rất khó để tha thứ cho người khác nếu như chúng ta không có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ và hiểu đúng về bản chất của tha thứ. Xét về khía cạnh tâm lý, tha thứ là một liều thuốc chữa lành những vết thương trong chúng ta, giúp chúng ta có thể trở lại với khả năng yêu thương và tin tưởng. Đồng thời đem lại sự bình an và tự do cho chính chúng ta là những người thực hiện hành động tha thứ. Và đôi khi, tha thứ không nhất thiết phải dẫn đến việc hòa giải cho những mối quan hệ không thể hàn gắn được.
Tha thứ luôn là lời mời gọi của Thiên Chúa và là cách duy nhất để cho tình yêu lớn lên và hàn gắn lại mối tương quan đã bị rạn nứt. Tha thứ là để nơi tâm hồn ta chan chứa tình huynh đệ và qua đó người khác sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong từng người chúng ta khi biết sống yêu thương và tha thứ. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết hướng nhìn lên Chúa Giêsu trên Thập giá để thấy tuy thân xác Ngài bị đóng đinh một cách đau đớn, nhưng con tim của Ngài vẫn hoàn toàn tự do để yêu thương và tha thứ. Điều đó chứng tỏ cho chúng ta biết rằng những tác động bên ngoài không đủ lớn để có thể ngăn cản sức mạnh nội tâm bên trong. Cho dẫu cuộc sống có những va cham, đụng độ, xích mích, nhưng nếu chúng ta có một trái tim yêu thương thật sự thì những thứ đó không đủ lớn để lấy đi khả năng tha thứ và yêu thương mà Thiên Chúa đặt để trong mỗi chúng ta. Amen.
Sr. Maria Hạnh